1. Trách nhiệm của người lao động
1.1. Tham gia đầy đủ các đợt khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp do người sử dụng lao động tổ chức;
1.2. Tuân theo các chỉ định khám và điều trị của bác sĩ.
2. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
2.1. Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện hoặc đơn vị quản lý về sức khỏe lao động môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị quản lý y tế Bộ, ngành tổ chức lập hồ sơ vệ sinh lao động, lập kế hoạch đo, kiểm tra môi trường lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp (nếu có) cho người lao động.
2.2. Quản lý hồ sơ vệ sinh lao động, sức khỏe và bệnh tật người lao động, hồ sơ cá nhân bệnh nghề nghiệp,hồ sơ cấp cứu tai nạn lao động, theo dõi sức khỏe và diễn biến bệnh nghề nghiệp của người lao động;
2.3. Hoàn chỉnh thủ tục giám định sức khỏe, bồi thường, trợ cấp đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động;
2.4. Thanh toán các chi phí lập hồ sơ vệ sinh lao động, đo, kiểm tra môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám, điều trị bệnh nghề nghiệp và cấp cứu điều trị tai nạn lao động cho người lao động theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm của đơn vị thực hiện đo, kiểm tra môi trường lao động
3.1. Phối hợp với người sử dụng lao động và đơn vị quản lý về sức khỏe lao động và môi trường tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị quản lý y tế Bộ, ngành, xây dựng kế hoạch đo, kiểm tra môi trường lao động khi có yêu cầu;
3.2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đo, kiểm tra môi trường lao động do đơn vị thực hiện;
3.3. Lưu giữ, bảo quản kết quả đo kiểm tra môi trường lao động quy định hiện hành.
4. Trách nhiệm của Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoặc Trung tâm Y tế dự phòng huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đối với các huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đã thành lập Trung tâm Y tế dự phòng.
4.1. Phối hợp với cơ sở lao động thuộc phạm vi quản lý lập hồ sơ vệ sinh lao động;
4.2. Kiểm tra, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý;
4.3. Tổng hợp số liệu, báo cáo đơn vị quản lý về bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về công tác quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp trên địa bàn.
5. Trách nhiệm của Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và y tế các Bộ, ngành
5.1. Phối hợp với cơ sở lao động lập hồ sơ vệ sinh lao động theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này;
5.2. Kiểm tra, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý;
5.3. Tổng hợp số liệu và báo cáo Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) về công tác quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp thuộc địa bàn quản lý;
5.4. Phối hợp với các Viện thuộc hệ y tế dự phòng để tổ chức các lớp tập huấn về giám sát môi trường lao động, sức khỏe lao động, bệnh nghề nghiệp.
6. Trách nhiệm của Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
6.1. Chỉ đạo, tổ chức và phân cấp việc thực hiện công tác quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp thuộc phạm vi được giao quản lý;
6.2. Định kỳ hằng quý và đột xuất kiểm tra giám sát hoạt động của các đơn vị thực hiện việc đo, kiểm tra môi trường lao động trên địa bàn, báo cáo và kiến nghị với Bộ Y tế rút tên khỏi danh mục các đơn vị đủ điều kiện thực hiện việc đo, kiểm tra môi trường lao động đối với các đơn vị không đủ điều kiện so với hồ sơ đăng ký;
6.3. Phối hợp với các Viện thuộc hệ y tế dự phòng và các trường Đại học y để tổ chức các lớp tập huấn về giám sát môi trường lao động, sức khỏe lao động, bệnh nghề nghiệp.
7. Trách nhiệm của các Viện thuộc hệ y tế dự phòng và các Trường đại học chuyên ngành Y khoa
7.1. Kiểm tra, chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật đối với các đơn vị thực hiện đo, kiểm tra môi trường lao động trong phạm vi được giao quản lý;
7.2. Tổ chức đào tạo và cấp giấy xác nhận đã qua tập huấn về kỹ thuật đo, kiểm tra, giám sát môi trường lao động, sức khỏe lao động, bệnh nghề nghiệp cho nhân viên của các đơn vị thực hiện đo, kiểm tra môi trường lao động;
7.3. Phối hợp xem xét hồ sơ công bố của các đơn vị thực hiện đo, kiểm tra môi trường lao động khi có yêu cầu;
7.4. Xây dựng chương trình tập huấn về kỹ thuật giám sát, kiểm soát các yếu tố có nguy cơ trong môi trường lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
8. Trách nhiệm của Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế
8.1. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
8.2. Lập danh mục các đơn vị đủ điều kiện thực hiện đo kiểm môi trường lao động và đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Y tế.
8.3. Kiểm tra, phối hợp thanh tra hoạt động của các đơn vị thực hiện đo, kiểm tra môi trường lao động trên phạm vi toàn quốc.
8.4. Chỉ đạo các Viện thuộc hệ Y tế dự phòng và các trường Đại học y xây dựng nội dung và tổ chức tập huấn về giám sát môi trường lao động, sức khỏe lao động, bệnh nghề nghiệp.
8.5. Phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.